Cách chọn mua tên miền hiệu quả

Đăng

Nhiều khách hàng rất băn khoăn về việc mua tên miền thế nào cho hiệu quả vì không ai đủ sức mua “bao vây” hết mọi tên miền liên quan sản phẩm, dịch vụ, thương hiệu của doanh nghiệp mình. MuaBanTenMien.com xin tư vấn đôi chút về kinh nghiệm mua tên miền cho chính doanh nghiệp của mình và các doanh nghiệp bạn bè, đối tác.

Cách chọn mua tên miền hiệu quả
Cách chọn mua tên miền hiệu quả

Cách 1: Chọn tên miền thương hiệu:

Cách này là phổ biến nhất, như các khách hàng của chúng tôi hiện nay đang áp dụng: goffice.vn (công ty G-Office), vnpack.com – vnpack.com.vn (Công ty Bao Bì Việt Nam), SBCvietnam.com (Công ty Sao Băng), congtymatdo.com (Công ty Mắt Đỏ), tuiso.com/images/ (Hệ thống Thế Giới Alo),… Với xu hướng này, thì việc mua tên miền khá dễ dàng nếu bạn chọn tên thương độc, lạ, không quá phổ biến. Ngoài ra, một biến thể của kiểu chọn tên miền này là chọn các tên thật ngắn, vô nghĩa nhưng dễ phát âm và còn trống ở tên miền .vn để xây dựng thương hiệu. Các đơn vị chọn tên miền và thương hiệu kiểu này rất nhiều như soha.vn, sendo.vn, nava.vn, tiki.vn, yame.vn,…

Cách 2: Chọn tên miền từ khóa:

Đây là cách làm phổ biến đối với các doanh nghiệp Việt Nam và cả trên thế giới. Cách làm là doanh nghiệp chọn trong ngành nghề kinh doanh chính của mình, tìm những tên miền liên quan, đầu tư xây dựng website để dễ thu hút khách hàng. Ví dụ, nếu bạn là công ty bán nhân sâm, mà bạn có nhansam.com, nhansam.vn, nhansamhanquoc.com thì không còn bàn cãi gì nữa – quá tuyệt vời! Tuy nhiên, những tên miền đẹp như thế thì hữu hạn, mà doanh nghiệp cùng ngành nghề thì nhiều, vì vậy, nhiều người có thèm cũng không bao giờ mua nổi những tên miền đẹp nhất trong lĩnh vực của mình.

Trong danh mục chính, Bạn hãy chọn cho mình một tên miền đẹp, giá trị ngay tại Danh mục tên miền đẹp

Cách 3: Chọn tên miền kết hợp từ khóa và thương hiệu:

Đây là cách làm thông minh, chi phí thấp. Cách làm là ghép 1 từ khóa HOT trong lĩnh vực mình kinh doanh với tên thương hiệu. Ví dụ: mancuamylinh.com (màn cửa Mỹ Linh), dienthoaisaigon.com (Hệ thống Điện Thoại Sài Gòn), xoichetuyetlan.com (Xôi chè Tuyết Lan),… Cách kết hợp này làm khách hàng dễ liên tưởng và dễ nhớ sản phẩm dịch vụ của mình. Tuy nhiên, do là phương án kết hợp nên tên miền thường dài, mất đi độ đẹp cần thiết.

Cách 4: Tên miền lắp ghép nhiều từ khóa:

Cách làm này hiện được nhiều doanh nghiệp sử dụng như một cách thay thế cho những tên miền từ khóa đẹp đã bị mua từ lâu. Một tên miền kiểu này là một sự kết hợp giữa nhiều từ khóa trong dãy ngành nghề tiêu biểu của doanh nghiệp, ví dụ: manremcua.com (màn rèm cửa), chanragoinem.com (chăn, drap, gối, nệm), dienthoaimaytinh.com (điện thoại, máy tính),… Cách làm này cũng khá sáng tạo, tuy nhiên, nên ghi nhớ: tên miền chỉ thực sự phát huy tác dụng khi nó có thể đọc và dễ nhớ. Một tên miền lắp ghép từ khóa nên đọc sao có vần điệu, ví dụ, chanragoinem.com rất hay vì đó là từ người ta thường gọi; nhưng nếu bạn lắp ghép dạng: maycaymayxucmaykeo.com (máy cày, máy xúc, máy kéo) thì rất khó nhớ và khá hài hước.

Cách 5: Tên miền kiểu chơi chữ:

Một trường phái mua tên miền kiểu chơi chữ cũng rất được ưa chuộng. Ví dụ: catch.me (bắt em đi), follow.me (theo tôi), ngoi.sao (Ngôi sao), hoibi.net (Hơi bị nét), banhmi.sg (bánh mì Sài Gòn), go.to (đi đến),… Cách làm này hay nhưng có nhược điểm là bạn khó thể chọn tên .com hoặc .com.vn, .vn mà thường phải chọn một đuôi mở rộng khác phù hợp.

Cách 6: Tên miền ngắn 1-4 ký tự:

Đây là trường phái của những thương hiệu mạnh nhất. Tên miền ngắn chỉ 1-4 ký tự, nếu ở dạng .com sẽ cực kỳ đắt. Các đại gia trên thế giới đều thích tên miền kiểu này: FB.com (Facebook), IBM.com (IBM), Go.com (Walt Disney), Mac.com (Apple), Live.com (Microsoft), Web.com (của Web.com – Tập đoàn mua lại cả Godaddy, Register, Networksolutions, Snapnames),… Mới đây nhất là tên miền 2 ký tự Mi.com được Xiaomi (Trung Quốc) mua lại với giá 3,6 triệu USD với tham vọng phát triển sản phẩm toàn cầu. Ở Việt Nam, tên miền ngắn 4 ký tự dot com được mua giá kỷ lục là Bkav.com (Công ty BKAV) với giá 2,3 tỷ đồng.

Còn nhiều cách chọn tên miền khác, phù hợp nhu cầu thực tế, sức tưởng tượng, tầm nhìn và khả năng tài chính của mỗi cá nhân, doanh nghiệp. Tuy nhiên, với góc độ một doanh nghiệp ở Việt Nam, chúng tôi xin mạnh dạn đề xuất một mô hình mua tên miền như sau:

1. Doanh nghiệp nhà giàu: Với doanh nghiệp có khả năng tài chính, thì nên mua một tên miền thương hiệu trùng tên công ty, có thể là tên chính (nếu tên ngắn) hoặc tên viết tắt. Trên web này, đưa thông tin doanh nghiệp, giới thiệu, dịch vụ, khách hàng,… Doanh nghiệp cũng nên mua 1-2 tên miền từ khóa đỉnh cao liên quan ngành nghề kinh doanh chính (như quatang.com, nhansam.com, comtrua.com), xây dựng thành 1 portal thu hút nhiều khách truy cập, qua đó chuyển khóa thành khách hàng của mình. Nếu có điều kiện thì mua thêm các tên đẹp khác (.vn, .com.vn, .net) trỏ về tên miền thương hiệu.

2. Doanh nghiệp nhà nghèo: Ít tài chính hơn, bạn vẫn nên mua một tên miền thương hiệu, làm website chính của công ty. Ngoài ra, bạn có thể đầu tư một tên miền từ khóa (hơi dài, hoặc ghép) giá vừa phải (như: dichvuchuyennha.com, thucphamantoan.com, suanhatrongoi.com) để làm portal chuyên ngành hàng của mình, qua đó thu hút khách truy cập và biến lượng khách này thành khách hàng thật sự.

Dù bạn là doanh nghiệp lớn hay nhỏ, thì điều chúng tôi đề nghị cũng giống nhau: Phải xây dựng website tốt, đầu tư sâu về nội dung, làm tốt các hoạt động quảng bá, bán hàng, chăm sóc khách hàng thì tên miền và website mới mang lại hiệu quả thực sự. Nếu không, thì tiền bạc và công sức bỏ ra cũng không mang lại giá trị bao nhiêu.

Chúc các bạn thành công!

Tác giả: Chính Nghĩa (Muabantenmien.com)


1/5 - (1 bình chọn)